Tết nguyên đán còn được gọi với nhiều tên khách là tết ta, tết âm lịch hay tết cổ truyền là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất với người Việt Nam. Mỗi năm tết đến là thời gian các con, các cháu đi làm xa cùng về sum họp, quây quần bên gia đình.
Tết đến cùng là thời khắc kết thúc một năm cũ với nhiều điều không may đã qua để bước sang năm mới cầu bình an, tài lộc và may mắn trong công việc, học hành của người dân trên cả nước.
Nhưng trong những ngày tết sẽ có một số điều kiêng kỵ không nên làm. Quan niệm người Việt cho răng nếu ta làm những việc này trong ngày tết thì sẽ mất đi tài lộc và may mắn của gia đình trong năm mới. Bài viết này tôi gửi tới các độc giả về những điều kiêng kỵ trong tết Nguyên Đán mà ta không nên làm.
Mục Lục
Kiêng cúng Giao thừa ở trong nhà
Đêm giao thừa, hầu hết các gia đình Việt Nam đều sửa lễ cúng quan Hành khiển. Người ta kiêng cúng quan Hành khiển ở trong nhà mà bắt buộc phải cúng ở ngoài trời. Sở dĩ như vậy vì dân ta quan niêm rằng, lúc Giao thừa quan quân nhà trời đi thị sát dưới hạ giới rất vội vã, không có thời gian dự cỗ nên mọi nhà phải bày cỗ ra sân để thiết đãi quan quân tỏ tấm lòng thành của mình. Nếu bày cỗ trong nhà thì quan quân không thể vào được.
Những kiêng kỵ trong việc xông đất
Theo quan niệm dân gian, sáng sớm ngày mồng Một Tết, vía của người đến nhà mình đầu tiên (gọi là người xông đất) sẽ ảnh hưởng đến phúc họa gia đình trong cả năm đó. Vì vậy nhân dân ta có những điều kiêng kỵ trong việc xông đất.
– Sáng mồng Một Tết kiêng vào nhà người khác khi nhà đó chưa có người xông đất (xông nhà).
– Kiêng kỵ những người như sau đến xông đất nhà mình:
+ Người bủn xỉn, keo kiệt, vía dữ.
+ Người đang có tang
+ Người có tuổi xung với tuổi của chủ nhà
+ Người trong năm gặp nạn cháy nhà, mất của, tai nạn, kiện tụng, chăn nuôi làm ăn thất bại…
+ Người có cha mẹ không song toàn
+ Người mà gia đình, vợ chồng bất hòa, sinh con một bề
+ Đàn bà, con gái
Kiêng quét nhà
Ngày mồng Một Tết, nhân dân ta kiêng quét nhà. Ngày mồng Hai, mồng Ba có thể quét nhà nhưng kiêng hót rác đổ đi mà phải dồn vào một góc cho đến hết ba ngày Tết mới dược hót rác đổ đi. Sở dĩ, nhân dân ta kiêng kỵ như vậy là vì quan niệm ngày đầu năm quét nhà hốt rác sạch sẽ thì cả năm làm ăn không gặp may, tiền bạc của cải sẽ bị khánh kiệt.
Kiêng những điều không vui
Ngày mồng Một Tết, dân ta kiêng đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, kiêng đánh đổ đèn, đổ điếu (điếu dùng để hút thuốc lào của các cụ); kiêng cãi hay chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra trong gia đình. Vì vậy ngay từ ngày 30 Tết, ông bà cha mẹ đã dặn dò con cháu phải giữ gìn ý tứ trong sinh hoạt, giao tiếp vào dịp Tết.
Kiêng nói tới sự chết chóc
Ngày mồng Một Tết, dân ta rất kỵ nói đến sự chết chóc, bệnh tật, kỵ mai táng người chết. Vì vậy nếu nhà nào không may có người qua đời vào dịp tết thì phải quàn thi hài ở trong nhà, đợi qua ngày Mồng Một mới được tổ chức đưa tang và mai áng.
Kỵ người khác đến xin lửa
Đây là điều kiêng kỵ trong tết Nguyên Đán rất quan trọng, vào ngày mồng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa vào nhà mình, vì dân gian quan niệm rằng: Lửa là đỏ, là may mắn của gia đình. Nếu cho người khác cái đỏ, cái may mắn của nhà mình trong ngày đầu năm thì cả năm đó, trong nhà sẽ gặp nhiều điều xúi quẩy như: Gia đình bất hòa, làm ăn không gặp may, tai họa tự nhiên ập đến…
Trên đây là tất cả các điều kiêng kỵ trong tết Nguyên Đán, mong các bạn đọc biết nhiều hơn trong những ngày tết để mang lại nhiều sự may mắn, tài lộc trong gia đình.