Nhà ở là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Bởi nó là nơi thờ cúng Tổ Tiên, là nơi cho ra đời những thế hệ kế tiếp để duy trì nòi giống, là nơi chứng kiến mọi vui buồn của cả một đời người… Vì vậy mà người ta xem làm nhà là một trong những việc trọng đại nhất.
Khi xây cất nhà cửa, người ta thường tuân thủ theo các phong tục cổ truyền một cách đầy đủ nhất để cầu mong khi ở ngôi nhà đó sẽ gặp nhiều may mắn, tốt lành, tránh điều rủi do, xúi quẩy. Trong phong tục khi xây nhà mới cần phải tránh một số điều kiêng kỵ như: chọn tuổi xây nhà, ngày giờ làm nhà, chọn đất làm nhà, chọn hướng xây nhà, nhập trạch…
Sau đây tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn về những điều kiêng kị khi xây nhà mới để các độc giả tham khảo.
Mục Lục
Kiêng kỵ trong việc chọn tuổi khi xây nhà mới
Trước khi xây cất một ngôi nhà, việc đầu tiên của chủ nhà cần làm là xem tuổi của mình có hợp cho việc xây nhà vào năm đó hay không. Nếu ngôi nhà đó của một cặp vợ chồng thì xem tuổi làm nhà phải lấy tuổi của người chồng. Khi chọn tuổi xây nhà thì chủ nhà cũng phải để ý một số điều kiêng kỵ sau:
– Kiêng làm nhà vào tuổi kim lâu: Theo cách tính toán của ông bà ta xưa thì người có hang đơn vị tuổi mụ (tức là tuổi thực cộng với 1) là: 0 (10, 20, 30, 40, 50,…), là 2 (12, 22, 32, 42, 52,…), là 6 (16, 26, 36, 46,…) thì đó là tuổi kim lâu. Vào những năm mà chủ nhà mang tuổi kim lâu thì phải tuyệt đối kiêng kỵ việc làm nhà.
Trong trường hợp cấp bách phải làm nhà mà không hợp tuổi thì chủ nhà có thể mượn tuổi để làm nhà bằng cách nhờ một người trong nội tộc có tuổi đẹp khấn làm lễ động thổ, khai móng, cất nóc, đến khi làm lễ nhập trạch thì người này sẽ khấn bàn giao lại nhà cho chủ thực sự của nó.
Kiêng kỵ trong việc chọn ngày giờ làm nhà
Khi chọn tuổi xây nhà song thì việc tiếp theo phải chọn được ngày giờ, phải chọn được giờ tốt để động thổ, hạ móng, cất móng. Ngay cả khi ngôi nhà được hoàn thành thì người ta cũng chọn giờ tốt ngày tốt để làm lễ nhập trạch. Và khi chọn ngày giờ xây nhà mới cũng phải kiêng một số điều sau:
– Kiêng làm lễ động thổ, khai móng, cất móng, nhập trạch vào ngày, giờ xấu.
Theo quan niệm của ông bà ta xưa thì chỉ có những ngày sau là tốt cho việc làm nhà: ngày Giáp Tý, Quý Dậu, Mậu Thìn, Kỷ Mão, Canh Thìn, Tân Tỵ, Giáp Thân, Bính Tuất, Giáp Ngọ, Bính Thân, Mậu Tuất, Kỷ Hợi, Canh Tý, Giáp Thìn, Quý Sửu.
Còn việc xem giờ thì phải căn cử vào từng ngày nhất định, mỗi ngày chỉ có một vài giờ tốt.
Kiêng kỵ trong việc chọn đất làm nhà
Trong việc chọn đất xây nhà mới thì ông bà ta thường kiêng kỵ những điều sau:
– Kỵ làm nhà trên mảnh đất khuyết hậu (tức là phía trước nhà có ao, hồ, ruộng trũng).
– Kỵ làm nhà trên mảnh đất tóp hậu (tức là miếng đất hẹp dần về phía trước) vì theo quan niệm dân gian, nếu làm nhà trên mảnh đất có hình thế này thì chủ nhà làm ăn ngày càng lụn bại.
– Kỵ làm nhà trên miếng đất có hình chữ kim, hình tam giác, hình tròn.
– Kỵ làm nhà trên mảnh đất có địa thế nước sông hoặc đường đi từ hai bên nhà ở giao nhau ở phía trước cửa rồi sau đó lại tỏa đi. Nếu làm nhà trên mảnh đất này thì tài sản của chủ nhà ngày càng tiêu tán.
– Kỵ làm nhà trên mảnh đất có hình cánh cung, ngược nằm ở bên trái hoặc bên phải của ngôi nhà vì đây là thế đất hung.
– Kỵ làm nhà trên mảnh đất bên cạnh có dòng sông (hay con đường) lại lượn vào cửa nhà rồi chảy đi. Vì đây là miếng đất có địa thế nước cong ngược, chủ nhà sẽ thường xuyên bất hòa với những người xung quanh và rất dễ bị tai nạn bất ngờ.
– Kiêng làm nhà trên mảnh đất có nhiều mảnh ghép lại, đất có hài cốt bên dưới, đất đình, đất chùa, đất từ đường, miếu.
Kiêng kỵ trong việc chọn hướng làm nhà
Khi chọn hướng làm nhà ta phải kiêng những điều sau:
– Kiêng làm nhà hướng chính Bắc, chính Đông, chính Nam, chính Tây; mà phải là các hướng tiếp giáp của các phương vị như: Đông – Đông Nam (hay Đông Nam), Tây Nam,…
– Kỵ góc ao , đao đình, đường đi, gót kèo, nóc nhà của người khác đâm thẳng vào gian giữa của ngôi nhà chính: Người Việt ta luôn giành gian giữa của ngôi nhà chính làm nơi đặt bàn thờ Tổ Tiên, vì vậy để góc ao, đao đình, đường đi,… đâm thẳng vào vào nơi thờ tự này mạo phạm Tổ Tiên.
– Kỵ lối đi sát nách nhà hoặc ngay đầu ngôi nhà: Người xưa quan niệm rằng, nhà nào có lối đi như thế thì làm ăn không gặp may mắn, hay gặp chuyện rối, gia đình lục đục.
– Kỵ nhà vệ sinh, chuồng lợn của nhà đằng trước mở cửa đối diện với gian giữa nhà mình.
– Kỵ cửa chính của hai nhà đối diện nhau
– Kỵ làm nhà nối nóc, kỵ đốt của nóc nhà rơi vào chữ “Tử”, chữ “Bệnh”
– Kỵ nhà có số gian là số chẵn vì theo quan niệm của ông bà ta xưa thì số lẻ là số sinh, biểu tượng của hào dương.
– Kỵ mắt tre của đòn nóc, đòn tay nhà nhìn xuống nền nhà và nhìn lên trời.
Kiêng kỵ khi nhập trạch
– Khi nhập trạch vào ngày xấu, giờ xấu: Để cầu mong sau khi đến nhà mới ở, gia đình chủ nhà luôn gặp những ngày giờ nhập trạch một cách cẩn trọng việc xem ngày, giờ tốt xấu phải tùy thuộc vào tuổi cụ thể của từng chủ nhà.
– Kỵ kê giường nằm của các thành viên trong nhà một cách lộn xộn mà phải theo đúng nguyên tắc “gốc Đông”, ngọn Tây, tức là giường của ông bà, cha mẹ phải được kê ở gian phía Đông, còn giường của con cháu thì kê gian phía Tây.
– Kiêng làm lễ nhập trạch nếu nhà có người chửa. Trong trường hợp cấp bách bắt buộc phải chuyển nhà, nên mua một cái chổi mới tinh, để đích thân người chửa quét qua các đồ đạc một lượt rồi mới chuyển.
– Kiêng người cầm tinh con Hổ đến giúp dọn nhà hoặc chuyển đồ đạc vào nhà.
– Kiêng chuyển đồ đạc vào nhà mới một cách lộn xộn mà phải theo nguyên tắc: Bếp lửa vào trước, tiếp đến là bàn thờ (đèn và bát hương xếp trước), sau đó mới đến giường, tủ, bàn ghế.
Trên đây là những điều kiêng kỵ khi làm nhà mới mong sẽ giúp được các độc giả hiểu hơn về phong tục làm nhà. Bạn đọc có thể tham thảo thêm về phong tục thờ cúng tại những điều kiêng kỵ trong việc thờ cúng để trau dồi thêm kiến thức cho mình.